Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo
Bí thư đảng ủy xã Bình Thạnh khai mạc lớp dạy nghề cho thanh niên xã
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Đức Trọng 15 km, dọc theo Quốc lộ 27, Bình Thạnh là xã cửa ngõ nối liền huyện Đức Trọng với huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Toàn xã có 1.618 hộ gia đình, trong đó 98% theo đạo Thiên Chúa, một số ít theo đạo Phật. Đảng bộ xã Bình Thạnh là một trong những TCCSĐ đông đảng viên có đạo nhất trong huyện - 60/73 đảng viên (chiếm 82,2%).

Để nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng có đông đồng bào theo đạo, tháng 10-1997 Thường vụ Đảng ủy Bình Thạnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo xã, do đồng chí Bí thư, sau này là đồng chí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Trưởng khối Dân vận phụ trách. 

Từ khởi đầu có 3 thành viên, đến nay, Ban Chỉ đạo được củng cố, phát triển với 9 thành viên, đều là cán bộ chủ chốt trong cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể của xã. Tuy kiêm nhiệm, nhưng các thành viên Ban Chỉ đạo luôn xác định đúng trách nhiệm của mình trong trực tiếp tham gia xây dựng quy chế hoạt động của Ban, quy chế phối kết hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị xã; chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng có đạo. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các văn bản liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như Nghị quyết 24-BCT/1993, Nghị quyết 25-NQ/TƯ/2003, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, các Nghị định 26, 22 của Chính phủ… được kịp thời phổ biến. Các thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tạo mối quan hệ gần gũi, tin tưởng lẫn nhau giữa cán bộ của Đảng, chính quyền và chức sắc, chức việc, giáo dân. Ban Chỉ đạo còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo và phối hợp các ban ngành chức năng liên quan ở xã và huyện xử lý các vấn đề nóng về chính trị liên quan đến tôn giáo trên địa bàn; giải quyết nhu cầu xây dựng cơ sở thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương của đồng bào…

Qua 14 năm hoạt động, hiệu quả công tác của Ban Chỉ đạo ngày càng rõ nét. Cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng có đạo nhận thức sâu sắc đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tình hình hoạt động của các cơ sở, tổ chức tôn giáo trên địa bàn khá ổn định. Chức sắc, chức việc và tín đồ sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật. Các thế lực thù địch tuy vẫn ráo riết triển khai các hoạt động lợi dụng tôn giáo để gây bất ổn xã hội nhưng chức sắc, chức việc và bà con giáo dân luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh, không để bị kích động, lợi dụng, lôi kéo, đồng thời tham gia phối hợp với cấp ủy, chính quyền ngăn chặn, xử lý triệt để. Đặc biệt, thông qua công tác chỉ đạo và vận động của Ban, các hoạt động nhân đạo từ thiện như xây dựng công trình phục vụ lợi ích cộng đồng, làm đường liên thôn, đào mương thủy lợi, giúp đỡ hộ nghèo xóa nhà tạm, giáo dục con em, răn đe kẻ xấu… thường xuyên được chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong cộng đồng chủ động đề xuất triển khai và bà con giáo dân hưởng ứng sôi nổi.

Thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo mang lại sự ổn định về chính trị - xã hội, trật tự an ninh nông thôn được đảm bảo là điều kiện cơ bản để bà con giáo dân Bình Thạnh yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu học tập, xây dựng nông thôn mới. Hiện 4/4 thôn của xã đều đạt chuẩn thôn văn hóa. Hằng năm có trên 85,5% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người chưa cao (17 triệu/người/năm) nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,6% (theo tiêu chí mới) và không có hộ đói. Thu ngân sách huyện 5 năm gần đây trung bình tăng 46,6%/năm. Tỷ lệ học sinh đến tuổi vào mẫu giáo, tiểu học luôn đạt 100%. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, học sinh đậu các trường cao đẳng, đại học cao so với toàn huyện. Hằng năm số quần chúng giáo dân trở thành cảm tình đảng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, được kết nạp vào Đảng đều tăng. Từ lâu Bình Thạnh đã không còn thôn «trắng» đảng viên và tổ chức đảng. 

Từ kết quả  lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Bình Thạnh, nhiều kinh nghiệm đã được cấp ủy và Ban Chỉ đạo rút ra, và đó cũng là một trong những căn cứ góp phần định hướng cho công tác này tốt hơn trong thời gian tới:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức và thực hiện nhất quán quan điểm, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo cho tín đồ và chức sắc, chức việc được sinh hoạt tôn giáo bình thường, đúng pháp luật.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc chủ động xây dựng các phong trào quần chúng phù hợp với tình hình địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực cho đông đảo giáo dân.

Ba là, thường xuyên giữ mối quan hệ với chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, để cùng giáo dục, vận động đồng bào có đạo tuân thủ pháp luật, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung của địa phương cũng như cả nước.

Bốn là, cấp ủy, Ban chỉ đạo và các ngành, đoàn thể tích cực sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình, tăng cường đối thoại, chủ động và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước về tôn giáo cho các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như đội ngũ đảng viên, cán bộ của hệ thống chính trị xã, thôn, tạo cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất