Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng làm việc với Đảng ủy xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai

Đảng bộ huyện Quốc Oai (Hà Nội) hiện có 45 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 5.645 đảng viên. Trong đó có 21 đảng bộ xã, thị trấn; 8 đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp; 16 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Huyện ủy Quốc Oai đã triển khai, chỉ đạo việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết vào tình hình thực tiễn của các TCCSĐ, tạo được những chuyển biến tích cực. Nhiều TCCSĐ đã giữ vững và phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; lãnh đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Kết quả cụ thể

Tổ chức đảng được kiện toàn, sắp xếp lại phù hợp hơn.

Trên cơ sở rà soát thực trạng tổ chức đảng ở cơ sở, huyện uỷ đã chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp lại các tổ chức đảng theo hướng chia tách những chi bộ, đảng bộ ghép, thành lập mới, sáp nhập các tổ chức đảng có cùng chức năng, nhiệm vụ. Sau khi kiện toàn, sắp xếp lại đã giảm đầu mối các tổ chức đảng trực thuộc từ 69 xuống còn 45 TCCSĐ. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở khối cơ quan được sắp xếp phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của từng đơn vị. Mô hình tổ chức chi bộ thôn, khu phố, cụm dân cư và chi bộ ngành ở các xã, thị trấn cũng được sắp xếp lại phù hợp, đảm bảo sinh hoạt thuận lợi và hoạt động lãnh đạo hiệu quả. Nhờ vậy, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ được nâng lên. Kết quả, từ năm 2007 đến 2010, tỷ lệ TCCSĐ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều đạt trên 80%, bình quân hằng năm tăng 23% so với năm 2006. Trong 3 năm từ 2008 đến 2010 số chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên  đều đạt trên 80% và không có chi bộ yếu kém.

Chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở được tăng cường.

Đồng thời với sắp xếp, kiện toàn tổ chức, huyện ủy Quốc Oai coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung vào đội ngũ cấp ủy cơ sở. Nhờ đó, đội ngũ cấp ủy cơ sở không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức và năng lực quản lý kinh tế, quản lý nhà nước từng bước được nâng lên. Đến nay đội ngũ cấp ủy viên cơ sở được đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên ở khối xã, thị trấn là 41,4%, lý luận chính trị là 100%; tương ứng như vậy ở khối cơ quan, doanh nghiệp là 96% và 84%. Riêng bí thư đảng ủy xã, thị trấn đã qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn chiếm gần 60%, lý luận chính trị 100%; tương ứng như vậy với bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn là 62,12% và 59%.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ được cấp ủy quan tâm chỉ đạo.

Trong các kỳ sinh hoạt, số đảng viên đi sinh hoạt tăng lên. Qua sinh hoạt, tính dân chủ và trí tuệ tập thể của đảng viên được phát huy. Tình trạng sinh hoạt chi bộ chỉ nghe bí thư chi bộ phổ biến chủ trương, nghị quyết, chưa thảo luận đã đồng ý thông qua được khắc phục đáng kể. Không khí dân chủ trong sinh hoạt đảng đã giúp cho việc xây dựng và quyết định chủ trương, nhiệm vụ của chi bộ thiết thực, sát thực tế hơn. Vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ theo đó được thể hiện rõ hơn.

Đội ngũ đảng viên tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Từ năm 2008 đến tháng 8-2011, Đảng bộ huyện Quốc Oai kết nạp được 721 đảng viên, trong đó: nữ chiếm 51,04%, dân tộc thiểu số, tôn giáo 6,64%; đoàn viên 58,7%; nông dân 45%... Số đảng viên mới kết nạp có trình độ THPT chiếm 94,5%; được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ là 75,6%. Trong đó, số có trình độ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trở lên đều tăng so với trước. Số lượng đảng viên tăng, cơ cấu tương đối hợp lý, chất lượng đảng viên được nâng lên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.

Sau đại hội đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tiến hành rà soát, bổ sung quy chế hoạt động và xây dựng chương trình hành động toàn khóa của đảng ủy. Nhờ đó hoạt động của cấp ủy đảm bảo nguyên tắc và sát với thực tiễn cơ sở. Huyện ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cấp ủy, quy định thành chế độ các huyện ủy viên và ủy viên thường vụ đảng ủy các xã, thị trấn phải bố trí thời gian dự sinh hoạt định kỳ của chi bộ trực thuộc trên địa bàn mình phụ trách gắn với kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng. Theo đó, hiệu quả, chất lượng lãnh đạo của các TCCSĐ được nâng lên, tạo được sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng, hành động trong cấp ủy và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên.

Hạn chế

Một số cấp ủy cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vị trí then chốt của công tác xây dựng đảng, nên chưa dành thời gian, công sức đúng mức để chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Trình độ, năng lực, phương pháp lãnh đạo của cấp ủy, trước hết là bí thư, phó bí thư cấp ủy ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ.

Vẫn còn một số chi bộ nông thôn có số lượng đảng viên đông, địa bàn rộng nên số lượng đảng viên sinh hoạt thường chưa đảm bảo yêu cầu. Nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, cứng nhắc; việc phân công, phân nhiệm trong cấp ủy chưa cụ thể, đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Trong sinh hoạt đảng chưa thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình nên đã không phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong cán bộ, đảng viên. Trong 5 năm 2006-2010, số cấp ủy viên, đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ là 180, nhưng có tới gần 70% số này được phát hiện là qua đơn thư tố cáo của đảng viên và nhân dân hoặc qua công tác thanh, kiểm tra của cấp ủy cấp trên.

Công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa có sự đổi mới, còn nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là với đảng viên không giữ chức vụ, đã hạn chế vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.

Giải pháp khắc phục

Để phát huy kết quả, khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, Đảng bộ Quốc Oai thực hiện một số giải pháp:

1. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn với tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đúng, đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng ở cơ sở.

2. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các tổ chức đảng cho đồng bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các chi bộ thôn, cụm dân cư. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, xác định đúng đắn vai trò và mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Đảm bảo vừa giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, vừa tôn trọng phát huy chức năng quản lý nhà nước của chính quyền và hoạt động theo điều lệ của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, đồng thời với mở rộng dân chủ, nhằm phát huy vai trò của đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy cơ sở.

Thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở; quan tâm quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chú trọng luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở, gắn luân chuyển với điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ theo yêu cầu công tác. Cùng với đó là xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp ủy cơ sở xã, thị trấn hằng năm. Mở rộng dân chủ trong thực hiện quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý. Thực hiện tốt chính sách cán bộ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm đạt chuẩn quy định.

4. Chú trọng công tác phát triển đảng viên đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, coi đó là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Phát động các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng và tạo nguồn cho công tác kết nạp đảng viên. Hằng năm, theo chỉ đạo của huyện ủy, Ban Tổ chức huyện ủy lập kế hoạch, hướng dẫn cho các cấp ủy cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và tổ chức thực hiện. Phấn đấu mỗi năm Đảng bộ huyện kết nạp được từ 170 đến 180 đảng viên.

Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên, đổi mới công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nhất là đảng viên không giữ chức vụ; phối hợp giữa các cấp ủy để quản lý đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú.

5. Cụ thể hóa các tiêu chí, quy trình, phương pháp đánh giá chất lượng TCCSĐ, cán bộ, đảng viên hằng năm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo đánh giá sát thực hơn. Đánh giá chất lượng TCCSĐ phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, đảng viên có thành tích xuất sắc.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đối với TCCSĐ và đảng viên, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Phản hồi (2)

Trần Việt Thao 11/01/2012

Kính gửi: BTC TW Đảng & tác giả bài viết ! Cảm ơn tác giả bài viết đã giúp tôi mở mang nhận tức về công tác Đảng. Riêng tôi mạn phép có thêm một vài ý kiến, như sau: Để thực sự nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, kiến nghị Đảng cần quan tâm hơn tới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên để giúp họ nâng cao trình độ làm chủ và phát huy dân chủ ở cơ sở. Vì thực tế có không ít CB, ĐV chưa có đủ trình độ làm chủ ở cơ sở đảng, dẫn đến tình trạng chưa thể phát huy dân chủ đạt hiệu quả cao ở cơ sở. Do việc làm chủ ở đây cần có trình độ phù hợp về văn hóa, chính trị, kinh tế, quản lý KT, KHKT, công nghệ,...

Ngô Minh 10/12/2011

Bài có chất lượng.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất