Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở buôn đồng bào DTTS tại chỗ huyện Cư M’ gar
Cà phê Đắk Lắk bạt ngàn, xanh um khi nắng vàng, và đỏ ươm khi vào mùa vụ.

Cư M'gar là một huyện của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên 824,43 km², dân số  trên 162 ngàn người với 25 dân tộc anh em, có nền văn hóa phong phú, đa dạng ở 15 xã và 2 thị trấn. Đảng bộ huyện có 63 TCCSĐ trực thuộc với 3.145 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) là 608 đồng chí, chiếm 19,3%. Toàn huyện có 5.791 hộ nghèo, chiếm 16,5%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ (DTTSTC) chiếm 23,3%, hộ nghèo DTTS khác chiếm 22,1%.

Cộng đồng các DTTSTC trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTSTC trở thành yêu cầu thường xuyên, liên tục, lâu dài mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả.


Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Đắk Lắk về phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào DTTSTC, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ viên, cán bộ, đảng viên về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác phát triển kinh tế - xã hội buôn đồng bào DTTSTC. Đồng thời lãnh đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời lồng ghép triển khai có hiệu quả các quyết định, chương trình của Chính phủ như 132, 134, 135, 167, 168… từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong đồng bào DTTSTC ở huyện. Ở từng đảng bộ, chi bộ, vấn đề lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói, giảm nghèo được đưa vào chương trình sinh hoạt hằng tháng với sự phân công nhiệm vụ cụ thể.


Nhờ chỉ đạo, triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình của Trung ương, của tỉnh và của huyện nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng cao.  


Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 992 USD, riêng hộ đồng bào DTTSTC đạt khoảng 11,2 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 64 triệu đồng/ha, riêng vùng đồng bào DTTS đạt khoảng 40 triệu đồng/ha. So với năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 24,6% xuống còn 8,37%. Bình quân mỗi năm, toàn huyện giảm được 3,3% hộ nghèo. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTSTC giảm mạnh từ 35,5% xuống 11%, bình quân mỗi năm giảm được 3,9%. Các mặt kinh tế, xã hội buôn, thôn đồng bào DTTSTC trên địa bàn huyện đã có những thay đổi tích cực, đời sống đồng bào DTTSTC không ngừng được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (giao thông, điện, nước sinh hoạt, cơ sở khám chữa bệnh, trường học…) được cải thiện.


Các chương trình giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, các dự án đầu tư trực tiếp cho các buôn đồng bào DTTSTC… đã tạo điều kiện cho cuộc sống các hộ đồng bào DTTSTC ổn định hơn. Đồng bào đã định canh, định cư ổn định sản xuất, biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm, nhiều hộ đã thoát nghèo và bắt đầu có tích luỹ, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện. Việc thực hiện tốt Chương trình phát triển giáo dục - đào tạo đã góp phần mở rộng qui mô và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong học sinh đồng bào DTTS. Trung tâm dạy nghề của huyện được thành lập; các chương trình, hội thảo, tập huấn công tác khuyến nông được đẩy mạnh đã cải thiện trình độ sản xuất, nâng cao chất lượng lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm và đa dạng hoá ngành nghề cho đồng bào DTTS. Đội ngũ cán bộ là đồng bào DTTS được đào tạo, bồi dưỡng ngày một tăng về số lượng và từng bước nâng cao trình độ đã đóng góp ngày một nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.


Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn những hạn chế: Tình trạng đồng bào DTTS chưa đủ đất sản xuất vẫn còn nên đời sống gặp khó khăn. Một số hộ dù đã được cấp đất song do đất sản xuất ở khá xa nơi cư trú, đất xấu, bạc màu, thiếu vốn đầu tư nên việc tổ chức sản xuất chưa thuận tiện và không hiệu quả. Đội ngũ cán bộ DTTS được quan tâm nâng cao trình độ và bố trí sử dụng song kết quả còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương tỷ lệ cán bộ DTTS còn thấp, cán bộ nguồn là người DTTS còn mỏng, có nơi hụt hẫng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số buôn đồng bào DTTS dù được giữ ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.


Để nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội buôn, thôn đồng bào DTTSTC huyện Cư M’gar trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện  thực hiện tốt các giải pháp sau:


Một là,
tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình đầu tư của Trung ương, của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội ở buôn đồng bào DTTS. Chỉ đạo, lãnh đạo các TCCSĐ triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế mà Huyện uỷ đã ban hành như: Chương trình phát triển cà phê bền vững, phát triển kinh tế HTX, phát triển cây cao su, phát triển giao thông, thuỷ lợi, chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện để các buôn, các hộ đồng bào DTTSTC để phát triển kinh tế nhanh hơn.

Hai là,
củng cố các TCCSĐ trong sạch, vững mạnh làm hạt nhân chính trị lãnh đạo, tuyên truyền, vận động và đảng viên đi đầu thực hiện để đồng bào nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và biết phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại như: Nhà nước đầu tư hỗ trợ bò giống thì phải cho cỏ, cho tiền làm chuồng…

Ba là,
tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm giúp đồng bào DTTS áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả các trung tâm dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho đồng bào DTTS. Tiếp tục thực hiện giao đất, khoán rừng cho hộ, nhóm hộ, buôn đồng bào DTTS. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể của huyện với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, cùng với thực tế của từng thôn, buôn và tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS đề ra các chủ trương chính sách, chương trình phù hợp để phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ.

Bốn là,
tiếp tục làm tốt công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS. Các cấp ủy đảng cần tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ thôn, buôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hướng dẫn, đôn đốc cán bộ thôn, buôn xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phát huy tốt nội lực nhằm phát triển thôn, buôn q    1`vững mạnh toàn diện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị đối với các buôn đồng bào DTTS, nhất là trong phát triển kinh tế buôn và vận động quần chúng. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo 2011-2015 nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ từ xa.

Năm là,
duy trì các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Quan tâm đầu tư trực tiếp cho các buôn đồng bào DTTSTC với nguồn vốn bố trí cao hơn để các hộ đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Bố trí kinh phí đẩy mạnh công tác dạy nghề cho thanh niên đồng bào DTTSTC, tư vấn định hướng giới thiệu việc làm  đa dạng hoá ngành nghề.

Việc đầu tư phát triển cần phải phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, khai thác sử dụng có hiệu quả các hạ tầng kinh tế xã hội, huy động, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội, triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình của Trung ương, của tỉnh, của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm đầu tư cho các hộ nghèo đồng bào DTTSTC phát triển nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách với các vùng người Kinh và các dân tộc khác trên địa bàn, góp phần ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất