Trong những năm gần đây, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) có sự “chuyển mình” khá rõ rệt, diện mạo một xã nông thôn mới vùng cao dần được hình thành; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được nâng lên… Đóng góp vào những kết quả đó, có vai trò quan trọng của công tác xây dựng đảng...
Từ cách làm sáng tạo…
Trong điều kiện một xã vùng cao có 1.084 hộ dân với 5.044 nhân khẩu sinh sống rải rác ở 16 bản, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nữ thanh niên thường xây dựng gia đình sớm, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội; tư tưởng bảo thủ, “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại ở số ít đảng viên… những yếu tố này gây không ít khó khăn trong việc tạo nguồn phát triển đảng, đặc biệt là đối với đảng viên nữ người dân tộc thiểu số của Đảng bộ xã Búng Lao. Hiểu rõ đặc điểm đó, Đảng ủy xã Búng Lao đã xác định tập trung nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên nữ người dân tộc thiểu số để tạo bước đột phá trong công tác xây dựng đảng đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy huyện Mường Ảng, Đảng ủy xã Búng Lao đã chủ động xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số” tạo đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, đồng thời xây dựng những giải pháp cụ thể, phù hợp.
Trước hết, Đảng bộ xã Búng Lao đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới; về vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Cùng với đó, Đảng bộ đã tiến hành khảo sát các hội, các đoàn thể để tìm nguồn, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng từ đội ngũ nữ cán bộ trẻ, nhiệt tình trong các trường học, trạm y tế và đoàn viên nữ; nữ hội viên tích cực của hội phụ nữ, hội nông dân…; chỉ đạo các chi bộ xây dựng nghị quyết về phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số.
Đảng bộ cũng đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên BCH trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc từng chi bộ, thôn, bản. Trên cơ sở bám nắm tình hình thực tiễn, định kỳ hàng quý, các đồng chí ủy viên BCH có trách nhiệm báo cáo trước Thường vụ Đảng ủy về kết quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên nữ người dân tộc theo kế hoạch, chỉ tiêu đã xác định. 19 chi bộ trong Đảng bộ xã đã tăng cường công tác phát hiện và giới thiệu nữ quần chúng ưu tú cho tổ chức đảng xem xét kết nạp. Với phương châm “cách nhìn mới, cách làm mới, hiệu quả mới”, việc tạo nguồn phát triển đảng viên nữ của các chi bộ đã được đẩy mạnh trên cơ sở bám sát điều kiện cụ thể của địa phương. Theo đó, nữ quần chúng không nhất thiết phải tham gia công tác xã hội mà cần chú ý đến những chị em gương mẫu trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tích cực xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chủ trương và chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...
Điểm nổi bật trong công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Đảng bộ xã Búng Lao đó là
phát huy có hiệu quả vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng. Các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong công tác phát hiện, tạo nguồn và phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Thông qua việc tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động… các tổ chức, đoàn thể đã dần hình thành ở các hội viên, đoàn viên ý thức trách nhiệm, động cơ, nỗ lực phấn đấu trở thành đảng viên. Đồng thời, tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… cũng thường xuyên nêu cao tính chủ động trong phát hiện quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ hội viên, đoàn viên từng bước tiến bộ về mọi mặt.
Đến những kết quả tích cực…
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số của Đảng bộ xã Búng Lao đã thu được kết quả thiết thực. Năm 2013, Đảng bộ xã đã kết nạp được 20 đảng viên, trong đó có 6 đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn Đảng bộ có 142 đảng viên với tỷ lệ đảng viên nữ trên 30% (44 đồng chí); trong số 19 chi bộ của Đảng bộ thì có 2 nữ bí thư chi bộ người dân tộc Thái.
Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Búng Lao góp phần bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ, bởi trên thực tế cho thấy, quá trình hoạt động, công tác của đảng viên nữ khá hiệu quả, nhất là việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, các tổ chức, đoàn thể quần chúng đều có những mô hình hoạt động rất hiệu quả, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia như các câu lạc bộ: phụ nữ chăn nuôi và sản xuất giỏi, khuyến nông, tiền hôn nhân, phụ nữ với kiến thức pháp luật, gia đình hạnh phúc... Đây không chỉ là cơ hội thuận lợi để chị em thi đua phấn đấu mà còn là điều kiện tốt giúp cơ sở đảng tháo gỡ khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số.
Các đảng viên nữ đều phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương nhất là phát triển sản xuất kinh tế và củng cố TCCSĐ, xây dựng hệ thống chính trị, nhiều đảng viên nữ mạnh dạn đề xuất ý kiến xung quanh các vấn đề như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất giao rừng hợp lý để người dân thoát nghèo bền vững... Với tinh thần cố gắng, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, đến hết năm 2013, toàn xã Búng Lao đã trồng được 172 ha cà phê; 20 ha rau,đậu,lạc; 15 ha mía tím… Ngày càng có nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã có thu nhập từ 80 - 200 triệu đồng/năm; xã đã không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 53% (năm 2012) xuống còn 45% (năm 2013). Búng Lao đã trở thành một điểm sáng trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Mường Ảng và tỉnh Điện Biên.
Và một vài kinh nghiệm
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xác định việc phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng; là cơ sở bảo đảm tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ; từ đó chi bộ xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên với chỉ tiêu cụ thể; đồng thời giao nhiệm vụ cho từng đảng viên trong phát hiện, tạo nguồn và giúp đỡ quần chúng tiến bộ để đủ điều kiện kết nạp Đảng.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng. Các tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt nhằm nâng cao khả năng thu hút, tập hợp hội viên, đồng thời thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên gắn với làm tốt công tác tạo nguồn phát triển đảng viên.
Ba là, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên nữ làm việc và cống hiến, phát huy năng lực từ đó khẳng định được uy tín trước quần chúng.
Tạ Quang Đạo
Hòm thư 3NB - 3511, TP. Điện Biên Phủ - Điện Biên