Dưới đường lối đổi mới của Đảng, thành phần kinh tế tư nhân cũng như các chủ doanh nghiệp tư nhân đã và đang khẳng định mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội; được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng, Trung ương đã có chủ trương “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”.
Hiện nay, kinh tế tư nhân phát triển nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đầu tư của tư nhân chiếm khoảng 40% trong tổng đầu tư xã hội, hàng năm các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Hiện cả nước có hơn 468.000 doanh nghiệp, với khoảng gần 5 triệu doanh nhiệp tư nhân (tính cả chủ hộ kinh doanh). Đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân cơ bản là những người được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh trên thương trường. Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, sự thành đạt của các chủ doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Do vậy, việc quan tâm, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân được đứng trong hàng ngũ của Đảng để họ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng.
Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, Đảng bộ Hà Nội kết nạp 3 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, Đảng bộ thành phố Hải Phòng kết nạp được 4 chủ doanh nghiệp tư nhân, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã kết nạp được 17 đảng viên, Đảng bộ tỉnh Thái Bình kết nạp được 5 đảng viên… Tuy vậy, không ít chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn còn đang có những băn khoăn nhất định. Cấp ủy đảng các cấp cũng quan tâm làm thế nào để động viên, khuyến khích chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng? Làm thế nào để vẫn giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng...? Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất, Đảng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng. Các cấp ủy đảng cần lắng nghe ý kiến của những đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân để xây dựng đường lối, chính sách cho phù hợp; quan tâm lãnh đạo phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Có những chính sách để các thành phần kinh tế được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, để họ có thể tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, thị trường, và các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển.
Thứ hai, đối với các đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức đảng cần quan tâm giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như bồi dưỡng lý luận chính trị với những nội dung, hình thức phù hợp, để họ thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng các kiến thức về công tác đảng.
Thứ ba, giữ vững tiêu chuẩn của người đảng viên, chú trọng chất lượng không chạy theo số lượng. Khi kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, trước hết là chính sách về bảo hiểm, thuế, lao động, môi trường. Quan tâm tới đời sống của công nhân, làm tốt công tác xã hội, từ thiện góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; có uy tín đối với công nhân viên trong doanh nghiệp và nhân dân địa phương; tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả…
Thứ tư, giữ vững nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng để các đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân đóng góp các ý kiến của mình cho Đảng. Có hình thức tổ chức, chế độ sinh hoạt đảng phù hợp để họ có thể tham gia sinh hoạt đảng đều đặn. Mặt khác, làm tốt công tác quản lý đảng viên, nhất là về đạo đức lối sống và các mối quan hệ xã hội. Nên có hình thức tôn vinh các đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho đất nước và tích cực tham gia xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ năm, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cần hết sức lưu ý những phần tử cơ hội, không có động cơ trong sáng, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết, chỉ thị của các cấp uỷ đảng; về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của đảng viên.
Phạm Văn Phong
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị - Trường Đại học Chính trị
P.Vệ An, Tp. Bắc Ninh