Kinh nghiệm giải quyết tố cáo đối với đảng viên của uỷ ban kiểm tra các cấp tỉnh Nam Định
Thời gian qua, việc giải quyết tố cáo đối với đảng viên của các ủy ban kiểm tra huyện ủy ở tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến, đảm bảo đúng quy trình, thẩm quyền, chức năng. Các ủy ban kiểm tra huyện ủy đã chú trọng làm rõ đúng sai, xác định cụ thể, rõ ràng chứng lý, kết luận chuẩn xác, xử lý kịp thời nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm. Những trường hợp phải xử lý kỷ luật đã kết luận rõ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm, xử lý theo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng.

Từ năm 2011 đến năm 2013, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp của tỉnh Nam Định đã nhận hơn 274 đơn tố cáo phải giải quyết đối với đảng viên, trong đó có 134 cấp ủy viên các cấp; đã giải quyết và kết luận được trên 218 trường hợp, đạt 79,5% so với số đơn phải giải quyết. Trong đó, ủy ban kiểm tra cấp tỉnh giải quyết 8 trường hợp, cấp huyện là 64 trường hợp và cấp cơ sở 186 trường hợp. Sau khi giải quyết, kết luận có 89 trường hợp vi phạm, 50 trường hợp phải thi hành kỷ luật (đã thi hành kỷ luật được 39 trường hợp)... Tuy nhiên, tình hình tố cáo đối với đảng viên có nhiều diễn biến phức tạp, diễn ra ở tất cả các cấp, lĩnh vực, các loại đối tượng; hình thức, nội dung đa dạng; tính chất, mức độ tố cáo nghiêm trọng hơn; đối tượng bị tố cáo tập trung nhiều vào số cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm công tác quản lý tiền, hàng, vật tư, thiết bị, cấp phép ở các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở...


Từ thực tiễn công tác giải quyết tố cáo đối với đảng viên của ủy ban kiểm tra các cấp tại tỉnh Nam Định, có thể rút ra một số kinh nghiệm cơ bản như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp có nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác giải quyết tố cáo và trách nhệm của mình trong việc thực hiện công tác giải quyết tố cáo đối với đảng viên. Cấp ủy các cấp chú trọng quán triệt đầy đủ các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo, tạo điều kiện cho ủy ban kiểm tra chủ động phát huy trách nhiệm trong việc tham mưu, giúp cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết tố cáo theo đúng thẩm quyền. Cán bộ kiểm tra và ủy ban kiểm tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Đảng về giải quyết tố cáo đối với đảng viên về nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Tổ chức thực hiện giải quyết tố cáo nghiêm túc, kịp thời, đúng nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục từ khâu tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời, chủ động phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo theo quy chế phối hợp.

Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ kiểm tra. Thường  xuyên, định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là khi có quy định, hướng dẫn mới của cấp ủy, ủy ban kiểm tra kiểm tra cấp trên. Khi có ban hành quy trình giải quyết tố cáo đối với đảng viên, ủy ban kiểm tra các cấp quán triệt cho đội ngũ cán bộ kiểm tra phải nắm vững và thực hiện đúng quy trình. Trong đó chú trọng từ khâu xây dựng kế hoạch giải quyết, tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đoàn giải quyết tố cáo; chú trọng nâng cao kỹ năng, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh để làm rõ đúng, sai, kết luận rõ ràng, đề xuất xử lý nghiêm minh. Kịp thời minh oan cho những trường hợp bị vu cáo.

Cán bộ kiểm tra cần nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng, tình hình thực tế của đảng bộ, tình hình đơn thư tố cáo để phân loại, tập trung giải quyết có trọng tâm trọng điểm, nhất là các dịp phục vụ đại hội đảng bộ, phục vụ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và nhân sự bổ nhiệm của các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội.

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên và cấp ủy cùng cấp đối với ủy ban kiểm tra trong việc thực hiện công tác giải quyết tố cáo.      

Sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với các ủy ban kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói chung, trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo nói riêng rất quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng luôn coi trọng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền, trách nhiệm. Người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên phải thực hiện nghiêm túc việc định kỳ tiếp công dân, giải quyết tố cáo, kiến nghị của công dân. Chỉ đạo bố trí phòng tiếp công dân đúng quy định và bố trí cán bộ tiếp dân có năng lực, trình độ để tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cấp mình, giúp việc giải quyết tố cáo kịp thời, hiệu quả. Khắc phục tình trạng không quan tâm chỉ đạo giải quyết đơn tố cáo theo thẩm quyền, không trực tiếp tiếp người đến tố cáo, chỉ đạo chuyển đơn tố cáo lòng vòng đến cơ quan và người không có trách nhiệm giải quyết.

Thứ tư, chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Hiện nay dấu hiệu vi phạm có thể xảy ra nhiều nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân khó phát hiện, chậm phát hiện, hoặc không chắc chắn nên ảnh hưởng đến việc tố cáo. Mặt khác, còn tình trạng trả thù, trù dập người phê bình, tố cáo, nên cán bộ, đảng viên, nhân dân tuy có biết dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhưng sợ bị liên lụy đến bản thân nên không dám tố cáo. Do vậy, để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu được cụ thể, chính xác quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tố cáo những sai phạm, các tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, đoàn thể cần chú ý công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo, nhất là về quyền và trách nhiệm tố cáo của đảng viên và công dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình, không vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền: học tập nghị quyết, trao đổi thảo luận, qua các phương tiện thông tin đại chúng… Tuy nhiên, cần chú ý đến tính chính xác của thông tin và khả năng nhận thức của từng đối tượng để có thể có hình thức tuyên truyền phù hợp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất